Báo Công an Nhân dân: Đại học Đà Nẵng đẩy mạnh trao đổi, giao lưu học thuật quốc tế

Nhân khai mạc Hội thảo Khoa học Quốc tế “Phát triển Đại học bền vững: Cơ hội và Thách thức” (Sustainable University Development: Opportunities and Challenges) được Đại học (ĐH) Đà Nẵng tổ chức trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển (1994-2024), Trung tâm Thông tin-Học liệu và Truyền thông ĐH Đà Nẵng trân trọng giới thiệu Bài báo “ĐH Đà Nẵng đẩy mạnh trao đổi, giao lưu học thuật quốc tế” trên Báo Công an Nhân dân số ra ngày 06/11/2024.

ĐH Đà Nẵng là một trong ba ĐH
hàng đầu của Việt Nam tham gia
Dự án Hợp tác Đổi mới giáo dục ĐH
với các đối tác Hoa Kỳ (PHER)

Với định hướng mở rộng hợp tác quốc tế để tạo thêm nguồn lực cho sự phát triển, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, thời gian qua, Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã chỉ đạo các trường ĐH thành viên tăng cường trao đổi giảng viên và sinh viên, tạo cơ hội giao lưu học thuật, trải nghiệm, hợp tác nghiên cứu tại các nước tiên tiến. Điều này thể hiện sự nhạy bén, năng động của ĐH Đà Nẵng nhằm nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ giảng viên, sinh viên; đóng góp tri thức phục vụ hội nhập và tham gia giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu…

ĐH Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tăng cường
trao đổi sinh viên quốc tế năm 2024

Giảng viên trao đổi học thuật gắn với nghiên cứu vì cộng đồng

Trường ĐH Sư phạm- thành viên ĐH Đà Nẵng cho biết nhà trường vừa có thêm hai cán bộ, giảng viên là PGS.TS. Trịnh Đăng Mậu, Trưởng Khoa Sinh – Môi trường và TS. Bùi Thị Thanh Diệu, Trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý Giáo dục tham gia Chương trình trao đổi học thuật, thỉnh giảng tại các trường ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ.

Hoạt động này là một trong những nội dung của Dự án hợp tác đổi mới giáo dục ĐH (PHER), giữa Việt Nam với đối tác các Hoa Kỳ, mà ĐH Đà Nẵng là một trong ba ĐH hàng đầu của Việt Nam (cùng ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đủ điều kiện và được lựa chọn tham gia.

Được biết, PGS.TS.Trịnh Đăng Mậu từng chủ trì nghiên cứu công nghệ sản xuất tảo xoắn Spirulina, hiện đang được ứng dụng, chuyển giao góp phần phát triển kinh tế địa phương tại TP Vạn Tường, tỉnh Quảng Ngãi. Với Chương trình trao đổi học giả đợt này, thầy Trịnh Đăng Mậu tham gia nghiên cứu loài luân trùng (Rotifer) tại Phòng thí nghiệm sinh học biển, ĐH Chicago.


PGS.TS. Trịnh Đăng Mậu giới thiệu
công nghệ sản xuất Tảo xoắn Spirulina
được ứng dụng, chuyển giao, góp phần
phát triển kinh tế địa phương

Mục tiêu nghiên cứu nhằm ứng dụng các phương pháp tiên tiến như học máy với trang thiết bị hiện đại để tập trung nghiên cứu, phân tích các động vật phù du, từ đó phát triển các hệ sinh thái tảo và phòng chống ô nhiễm vi nhựa. Nhà khoa học trẻ của ĐH Đà Nẵng hợp tác với các chuyên gia phía đối tác đề xuất Hệ thống cảnh báo sớm sinh học, hỗ trợ giám sát hệ sinh thái thủy sinh.

“Loài luân trùng trong các hệ sinh thái nước ngọt là trọng tâm chưa được nghiên cứu sâu rộng ở Đông Nam Á. Do đó, thông qua quá trình nghiên cứu, khám phá sự đa dạng và vai trò sinh học của động vật phù du, tôi hy vọng sẽ đem lại kết quả hữu ích, đóng góp cho yêu cầu bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, phục vụ phát triển bền vững”- PGS.TS. Trịnh Đăng Mậu chia sẻ.


TS. Bùi Thị Thanh Diệu làm việc và
nghiên cứu tại ĐH Bang Texas, Hoa Kỳ

Còn TS. Bùi Thị Thanh Diệu tham gia Chương trình Học giả thỉnh giảng tại ĐH Texas State ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, với những nghiên cứu đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần và hành vi tìm kiếm sự giúp đỡ của sinh viên, qua đó đề xuất các giải pháp nhằm trợ giúp chuyên nghiệp, giải quyết các các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Các hoạt động hội thảo, hội nghị, trao đổi học thuật tại ĐH Texas giúp TS. Bùi Thị Thanh Diệu có thêm cơ hội thực hiện nội dung nghiên cứu, công bố khoa học quốc tế (WoS/Scopus) đồng thời trải nghiệm, kết nối mạng lưới học thuật quốc tế quan tâm đến vấn đề có tính thời sự trong giáo dục học đường. Nữ tiến sĩ hy vọng kết quả đạt được sẽ góp phần thúc đẩy hình thành một hệ thống hỗ trợ nâng cao sức khỏe tâm thần tại Việt Nam trong tương lai gần.


Sinh viên Trường ĐH CNTT và Truyền thông
Việt-Hàn (ĐH Đà Nẵng) thuyết trình các dự án
đổi mới sáng tạo tại Seoul, Hàn Quốc

Sinh viên hội nhập quốc tế với khát vọng đổi mới sáng tạo

Theo dòng chảy trao đổi học thuật với nước ngoài, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU)- ĐH Đà Nẵng đã chủ động kết nối với các đối tác mới phía Hàn Quốc là Tập đoàn Hanwha Life và Quỹ ChildFund (CFK). Trường đã chọn 20 sinh viên tiêu biểu tham gia Chương trình “2024 Korean Invitational Program”.

Hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp cho biết chương trình này là dấu mốc có tính bước ngoặt trong chiến lược thúc đẩy hội nhập và trao đổi sinh viên của VKU nói riêng, ĐH Đà Nẵng nói chung, nhất là đối với các ngành mũi nhọn mà Nhà trường đang nỗ lực tiên phong như Vi mạch bán dẫn, Công nghệ tài chính (Fintech)…

Tạo nhiều cơ hội cho sinh viên
ĐH Đà Nẵng được trải nghiệm,
giao lưu học thuật tại nước ngoài

Sự hỗ trợ thiết thực của Hanwha Life và CFK đem lại cơ hội cho sinh viên của VKU được tham quan, trải nghiệm và học hỏi từ các chuyên gia của các trường ĐH, doanh nghiệp uy tín phía Hàn Quốc. Chương trình tạo điểm nhấn trong nỗ lực tìm kiếm bồi dưỡng, đào tạo tài năng trẻ trong các ngành có nhu cầu phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam hiện nay là Công nghệ thông tin và Công nghệ tài chính mà VKU đã ký kết hợp tác với Hanwha Life, CFK và Daehong.

Một trong những hoạt động nổi bật tại Chương trình là phát triển ý tưởng ứng dụng AI trong Công nghệ tài chính và chăm sóc sức khoẻ (Idealthon – AI Applied in Fintech and Healthcare) dành cho 4 nhóm sinh viên của VKU. Theo đại diện Ban Tổ chức phía đối tác Hàn Quốc, các dự án của sinh viên ĐH Đà Nẵng đã thể hiện tiềm năng và tư duy sáng tạo khi đề xuất được các ý tưởng, giải pháp mới mẻ, có tính khả thi, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.


Góp phần lan tỏa hình ảnh SV
ĐH Đà Nẵng trên trường quốc tế 

Theo đó, Dự án “SmartF”  giải quyết bài toán tiêu dùng thông minh trong giới trẻ; Dự án “One for Life” theo dõi, tư vấn để hỗ trợ, cải thiện thói quen sinh hoạt lành mạnh; Dự án “MindMate” với giải pháp thông minh chăm sóc sức khỏe tinh thần và tâm lý; Dự án “SymAI”  xây dựng ứng dụng hỗ trợ chẩn đoán bệnh thông minh…

Những năm gần đây, hoạt động trao đổi, giao lưu học thuật quốc tế để hội nhập và phát triển bền vững của ĐH Đà Nẵng khởi sắc và chuyển động tích cực. Qua đó, không những đã mang đến cơ hội cho các giảng viên, sinh viên của ĐH Đà Nẵng được trải nghiệm, giao lưu, phát triển chuyên môn ở tầm quốc tế mà còn giúp tăng cường năng lực nghiên cứu, đóng góp giải quyết những vấn đề khoa học và thực tiễn, góp phần nâng cao uy tín quốc tế của nhà trường, thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa giáo dục ĐH…

Theo Báo Công an Nhân dân

Bài viết liên quan :

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *