Sáng ngày 17/6, trong khuôn khổ Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (ĐH) (Partnership for Higher Education Reform-PHER) của Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã diễn ra khai mạc Chương trình tập huấn giảng viên nguồn về phương pháp đào tạo theo hình thức tích hợp.
Toàn cảnh Chương trình tập huấn
Tham dự sự kiện có PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐHĐN; TS. Rick Hopper-Giám đốc Dự án PHER; Bà Phương Tố Tâm-Quản lý Dự án PHER; các Chuyên gia giáo dục Dự án PHER: PGS.TS. Mike Truong, TS. Tasha Bleistein; đại diện lãnh đạo các ban hữu quan (Tổ chức Cán bộ, Ban Đào tạo và Đảm bảo chất lượng, Ban Quản lý Dự án ODA) cùng các cán bộ, giảng viên của ĐHĐN.
PGS.TS. Lê Quang Sơn
Phó Giám đốc ĐHĐN phát biểu
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐHĐN cho biết, nội dung tập huấn đợt này tiếp nối trong khuôn khổ Chương trình nâng cao năng lực về đổi mới phương pháp dạy-học xuất sắc thuộc Dự án PHER.
Phó Giám đốc ĐHĐN Lê Quang Sơn đánh giá cao kết quả đã thực hiện tổ chức đào tạo cho 21 giảng viên nguồn của ĐHĐN vận dụng các phương pháp dạy-học tiên tiến từ kinh nghiệm của ĐH Indiana, Hoa Kỳ. Kết quả này đã nhân rộng ra hơn 128 cán bộ, giảng viên, qua đó lan tỏa, đem lại những cải tiến tích cực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
TS. Richard Hopper
Giám đốc Dự án PHER phát biểu
Tiếp nối những kết quả, kinh nghiệm đó, ĐHĐN tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo cho 35 giảng viên nguồn về phương pháp giảng dạy tích hợp. Đây là phương pháp đào tạo tiên tiến, có tính ứng dụng cao, phù hợp với xu hướng giáo dục 4.0, vừa tận dụng được ưu điểm của các hình thức đào tạo trực tiếp, trực tuyến, vừa kiến tạo môi trường học tập, trải nghiệm toàn diện, hiệu quả cho người học.
Chính đội ngũ giảng viên nguồn hôm nay sẽ là nòng cốt tham gia phát triển cộng đồng giảng viên, trợ giảng có kỹ năng, chuyên môn sư phạm cao tại các trường, đơn vị của ĐHĐN, đại diện lãnh đạo ĐHĐN chia sẻ.
PGS.TS. Mike Truong-Chuyên gia giáo dục
Dự án PHER tập huấn tại Chương trình
Theo TS. Richard Hopper-Giám đốc Dự án PHER, nội dung trọng tâm về tập huấn phương pháp đào tạo theo hình thức tích hợp nhằm hỗ trợ cách thức, kinh nghiệm tổ chức các hoạt động dạy-học từ quá trình thiết kế bài giảng đến áp dụng các công cụ giảng dạy trực tuyến, có sự tham gia tích cực của sinh viên.
Những giảng viên nguồn được tập huấn đợt này sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các giảng viên khác cùng đạt được mục tiêu của Chương trình là nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập nhờ tăng cường tính gắn kết liên ngành, tích hợp cho người học phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình lĩnh hội, phát triển kiến thức.
TS. Tasha Bleistein-Chuyên gia giáo dục
Dự án PHER tập huấn tại Chương trình
Tại các phiên tập huấn chuyên sâu, các đại biểu, học viên đã được nghe các báo cáo hữu ích từ chuyên gia, cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn, tập trung vào các chủ đề chính như: (1) Phát triển giáo trình, cách thiết kế bài giảng hiệu quả; (2) Thiết kế tổ chức dạy-học, cách xây dựng nội dung khóa học thu hút, hiệu quả; (3) Tích hợp công nghệ tiên tiến trong dạy-học, cách lựa chọn, ứng dụng công nghệ thông minh; (4) Đánh giá kết quả học tập của người học theo phương pháp đào tạo tích hợp.
Các đại biểu học viên làm việc nhóm
Với hình thức kết hợp linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến, Chương trình tập huấn diễn ra nhiều buổi tạo điều kiện cho các giảng viên nguồn thuận lợi để nắm vững kiến thức, kỹ năng và học hỏi kinh nghiệm từ chuyên gia.
Đây cũng là cơ hội tốt để các cán bộ, giảng viên của các trường, đơn vị thành viên của ĐHĐN nâng cao nhận thức, phát triển tư duy, đổi mới cải tiến phương pháp, nội dung giảng dạy, góp phần hoàn thiện môi trường học thuật ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn.
Các đại biểu học viên trao đổi, thảo luận
Trước đó, cũng trong khuôn khổ Dự án PHER, ĐHĐN cũng đã tổ chức thành công các phiên hỗ trợ kỹ thuật về hệ thống giám sát chương trình đào tạo và đảm bảo chất lượng giáo dục; nêu cao tinh thần liêm chính khoa học và đạo đức nghiên cứu trong học thuật; bình đẳng giới, trao quyền phụ nữ trong giáo dục, nghiên cứu.
Chương trình tập huấn góp phần nâng cao
chất lượng đào tạo trong bối cảnh hội nhập
và quốc tế hóa giáo dục đại học
Thông qua các phiên tập huấn này, các trường ĐH thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc của ĐHĐN có thêm cơ hội tiếp cận chuyên gia, học hỏi, vận dụng kinh nghiệm từ các ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ; nâng cao năng lực tự chủ và đổi mới quản trị, phục vụ các mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN
Bài viết liên quan :
Nhiệm vụ phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia được đưa vào Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đại học Đà Nẵng công bố các Quyết định tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy và bổ nhiệm nhân sự các đơn vị thuộc, trực thuộc
Đại học Đà Nẵng trực tiếp tư vấn cùng Chương trình của Báo Thanh Niên tại Huế và Quảng Bình
Hoạt động ngoại khóa quân sự thiết thực của sinh viên Khóa 30, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng
Báo Đà Nẵng: Các trường đại học đổi mới cách tuyển sinh đáp ứng nhu cầu người học và xã hội
Triển khai Kế hoạch Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học ĐHĐN năm học 2024-2025: Kiến tạo môi trường, hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Mời các em học sinh cùng Quý phụ huynh tham gia Chương trình Tư vấn Tuyển sinh – 2025 của ĐHĐN tại Ngày hội Báo Thanh niên tại Huế, Quảng Bình
Đêm giao lưu văn nghệ với chủ đề “Nhiệt huyết của Tuổi trẻ” tại Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Đà Nẵng
Báo Công an Nhân dân: Đại học Đà Nẵng chủ động đào tạo nguồn nhân lực cho Trung tâm Tài chính khu vực và Khu Thương mại tự do tại Đà Nẵng
Đoàn công tác của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh thăm và làm việc với Đại học Đà Nẵng