Hành trình hướng đến kỹ sư vi mạch bán dẫn trong các tập đoàn, doanh nghiệp uy tín

Trong bối cảnh các tập đoàn, doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực chất lượng cao, nhất là đối với ngành vi mạch bán dẫn, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. Các trường đại học (ĐH) thành viên của Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN): Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn đang nỗ lực triển khai các ngành đào tạo mới vi mạch bán dẫn.

03 trường ĐH thành viên của ĐHĐN
mở các ngành đào tạo mới đáp ứng
cung cầu NNL, trong đó có Thiết kế vi mạch

Cựu SV Đỗ Hoàng Phúc (khóa 2013 của Chương trình tiên tiến Việt-Mỹ, ngành Điện tử viễn thông) của Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN hiện đang làm việc cho Tập đoàn TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacuring Company), một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất Chip và các sản phẩm bán dẫn.

Theo anh Đỗ Hoàng Phúc, việc lựa chọn ngành học phù hợp, đón đầu, bắt kịp xu thế phát triển công nghệ cao như Chip bán dẫn là khởi đầu quan trọng. Bên cạnh đó, mỗi SV cần chủ động học hỏi, tư duy và sáng tạo để cập nhật, chiếm lĩnh kiến thức chuyên môn, trau dồi kỹ năng cần thiết để có thể làm việc trong các tập đoàn công nghệ tiên tiến cần khả năng hòa nhập, thích ứng, nhất là năng lực sử dụng ngoại ngữ trong môi trường đa văn hoá như TSMC.


Cựu SV Đỗ Hoàng Phúc đang làm việc
cho Tập đoàn TSMC, doanh nghiệp hàng đầu
về sản xuất Chip và các sản phẩm bán dẫn

Thực sự những kiến thức, kỹ năng mình tích lũy được trên giảng đường ĐH là rất hữu ích vì đây là nền tảng nhờ chương trình đào tạo mà Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến (FAST) của Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN thiết kế được hoàn thiện từ chương trình đào tạo quốc tế của Hoa Kỳ.

Nhờ có các thầy, cô giàu tâm huyết, trình độ cao, kết hợp với sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp đối tác của Khoa và Nhà trường, SV được thúc đẩy, hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu, nhất là sự chủ động trong học tập và nghiên cứu khoa học.


Các cựu SV ĐHĐN đã trở thành ​chuyên gia,
kỹ sư của các tập đoàn công nghệ uy tín
giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với SV 

Thay vì chỉ ngồi nghe giảng như cách học truyền thống, nhiều môn học hiện nay được Nhà trường thiết kế, triển khai áp dụng theo các phương pháp hiện đại như Học theo Dự án (Project Based Learning), Đồ án Capstone, CDIO hay Học từ trải nghiệm (Learning Express)… Chính nhờ đó, SV được “thực chiến” các kỹ năng mềm như tư duy sáng tạo, phản biện, phát hiện và giải quyết vấn đề; làm việc nhóm; nghiên cứu và thuyết trình…

Việc tham gia các hoạt động sáng tạo vì cộng đồng cũng đem lại nhiều giá trị và kỷ niệm đáng nhớ để SV ngày càng năng động, tự tin, sẵn sàng thích ứng, áp dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn.

Theo Anh Đỗ Hoàng Phúc, để làm việc tốt trong lĩnh vực công nghệ có tốc độ phát triển nhanh như vi mạch bán dẫn thì năng lực ngoại ngữ như Tiếng Anh sẽ là “chìa khóa” để tiếp cận nghiên cứu được nhiều nguồn tài liệu quốc tế, mở ra nhiều cơ hội làm việc, hợp tác và thăng tiến ở các tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài.


Gần 80 chuyên gia, kỹ sư của Synopsys là
cựu SV Khoa FAST, Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Khoa FAST và Công ty Synopsys, thương hiệu uy tín quốc tế trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, các quản lý cấp cao của doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực của Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN đào tạo và cho biết, hiện có gần 80 chuyên gia, kỹ sư của Synopsys là cựu SV chỉ tính riêng của Khoa FAST.

Đây là cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, đặt niềm tin vào các thế hệ SV hiện nay, nhất là khi các trường thành viên của ĐHĐN có truyền thống, uy tín, tiềm lực và kinh nghiệm đào tạo đều mở các ngành công nghệ 4.0 như Thiết kế vi mạch bán dẫn hay Trí tuệ nhân tạo (AI).


Tăng cường gắn kết nhà trường-doanh nghiệp
đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn

Tại sự kiện Tổng kết khóa đầu tiên bồi dưỡng về “Thiết kế Vật lý Vi mạch VLSI Cơ bản” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) phối hợp với Tập đoàn FPT, Tổ chức Tresemi từ Silicon Valley và Tập đoàn Cadence cùng Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN tổ chức (tài trợ gần 90 suất học bổng 100% học phí và hỗ trợ kết nối việc làm sau khi hoàn thành khóa học), 05 giảng viên và 11 SV của Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN đã được cấp Chứng chỉ hoàn thành khóa học, trong đó có 04 SV của Nhà trường đã được tuyên dương trong Top 10 học viên xuất sắc nhất.


Các giảng viên, SV nhận Chứng chỉ hoàn thành
khóa học “Thiết kế Vật lý Vi mạch VLSI Cơ bản”

Sau quá trình học tập và làm dự án thực tế, mình đã học hỏi, đúc kết được nhiều kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực vi mạch bán dẫn (như kỹ năng thiết kế vật lý, chi tiết quy trình thiết kế, các công cụ hỗ trợ, nâng cao tư duy phân tích và giải quyết vấn đề, nâng cao kỹ năng nghe và đọc tiếng Anh chuyên ngành), SV Ngô Tri Khiêm Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN (lớp 19TĐH,  Top 10 SV xuất sắc nhất),  chia sẻ.


Truyền cảm hứng, khát vọng làm chủ
công nghệ tiên tiến, bắt kịp Cách mạng 4.0

Hành trình hướng đến kỹ sư vi mạch bán dẫn từ những điển hình cựu SV và SV đã và đang nỗ lực cùng đi đến thành công là hiện thực có thể chia sẻ để truyền cảm hứng, khát vọng làm chủ công nghệ tiên tiến, bắt kịp Cách mạng 4.0.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Bài viết liên quan :

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *