Sinh viên thiết kế phần mềm chống gian lận thi trực tuyến

 

Giao diện của ứng dụng dạy học trực tuyến Fued.

Giao diện của ứng dụng dạy học trực tuyến Fued.

Chú trọng các tính năng phụ trợ

Ambition có 4 thành viên: Nguyễn Thái Minh (lớp 16TCLC2), Phạm Xuân Sang (lớp 17TCLC1), Hoàng Tiến Hải Đăng (lớp 18H2CLC2) và Đỗ Tuấn Sơn (lớp 17DT3) đều là SV của Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng.

Theo Nguyễn Thái Minh – trưởng nhóm Ambition thì hầu hết các ứng dụng quản lý học tập trực tuyến (LMS) phổ biến hiện nay đều chưa hỗ trợ việc điểm danh và kiểm tra trực tuyến; chưa tích hợp nhiều công nghệ trí tuệ nhân tạo và không nhắm đến người học là HS khối phổ thông.

“HS và GV là người dùng phổ thông, họ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng app. Nhờ công nghệ AI, Fued tích hợp tính năng điều khiển app thông qua giọng nói. Nhờ vậy, những ai không thành thạo trong thao tác đều có thể điều hướng ứng dụng một cách dễ dàng” – Minh cho biết. Giao diện của Fued vì vậy giống với mạng xã hội Facebook hoặc Zalo để thuận tiện cho người dùng.

Bạn Hoàng Tiến Hải Đăng nhận xét, khi học trực tuyến một thời gian dài thì HS, SV thường mất khả năng tập trung, không tương tác nhiệt tình như với các lớp học truyền thống. Vì vậy, Fued đã phát triển một giải pháp giúp cho việc học online hiệu quả hơn với tính năng thảo luận nhóm, bảng kế hoạch theo dõi tiến độ học tập, điểm danh và giám sát chất lượng thi cử. Trước khi HS, SV tham gia kiểm tra, Fued sẽ xác nhận xem có tình trạng thi hộ hay không thông qua đối chiếu với ảnh thẻ đã được cung cấp trước đó.

Với GV, Fued sẽ có những hỗ trợ như thống kê các số liệu liên quan đến việc giảng dạy bao gồm các tài liệu, bài tập và điểm trung bình của các lớp. GV cũng có thể tải lên các bài tập gồm slide, video, các file PDF, những bài tập nhỏ để khởi động trước khi vào bài mới, lên lịch học, tạo lời nhắc… Với HS, các em có thể xem các bài báo liên quan đến mảng giáo dục được trích dẫn hàng ngày; tương tác với bạn học để làm việc nhóm online… Vì vậy, “Fued không chỉ hướng đến hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến đơn thuần, mà còn là nền tảng để GV và HS có thể sử dụng trong việc quản lý thời gian và công việc của bản thân” – Xuân Sang cho biết.

Còn bạn Thái Minh chia sẻ, Fued được xây dựng từ chính những trải nghiệm của cả nhóm trong quá trình học trực tuyến với nhiều khó khăn từ cả phía người dạy và người học. Mất 2 tháng để hoàn chỉnh ứng dụng, trong đó, 4 thành viên của nhóm chủ yếu là làm việc online do rơi vào những đợt giãn cách xã hội. Dự án Fued – Giáo dục cho tương lai của nhóm Ambition đã xuất sắc giành chức vô địch cuộc thi Hackathon “Build on VietNam 2021”. Đây là cuộc thi nằm trong chuỗi sự kiện Hackathon – sự kiện thi đua lập trình của chương trình Build on ASEAN 2021 do Amazon Web Servicer tổ chức dành cho các lập trình viên trẻ.

Quá trình phác thảo ý tưởng và hoàn chỉnh ứng dụng Fued, đội Ambition chủ yếu làm việc nhóm online.

Hoàn thiện và nâng cấp ứng dụng

Ông Nguyễn Văn Nam – đại diện Công ty CMS TS đã đánh giá Fued có tiềm năng thương mại hóa trong tương lai. Được biết, CMS TS cũng đã đặt vấn đề để hợp tác với nhóm Ambition trong phát triển sản phẩm thương mại. Nguyễn Thái Minh cho biết: “Với mong muốn đồng hành cùng GV và HS giải quyết những khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến, nhóm sẽ tiếp tục đầu tư phát triển Fued mạnh hơn”.

Theo đó, app sẽ được bổ sung và phát triển thêm một số chức năng. Ưu tiên hàng đầu của nhóm và cũng thể hiện được tính cạnh tranh so với các ứng dụng LMS hiện này là tính năng phát hiện gian lận. “Trong giờ kiểm tra, nếu HS nhấp vào bất kỳ khu vực nào bên ngoài màn hình kiểm tra, Fued sẽ phát hiện được và gửi cảnh báo cho cả HS và GV” – trưởng nhóm Ambition phác thảo. Ngoài ra, Fued sẽ được phát triển thêm một mô hình có thể phát hiện chuyển động của vật thể vì nhóm nhận thấy là dịch vụ AWS Rekognition có thể bị đánh lừa bởi các bức ảnh có khuôn mặt học sinh.

Phiên bản app hiện tại của Fued có tính năng AI chatbot, giúp GV trả lời các câu hỏi thường gặp của HS nhưng chỉ mới ở cấp độ 2. Trong tương lai, để tối ưu hóa quá trình này, nhóm dự định sẽ thêm tính năng trả lời tự động các câu hỏi về các bài kiểm tra. Cuối cùng là tính năng hỗ trợ tiếng Việt: Fued là một sản phẩm được làm nên bởi người Việt và cho người Việt. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa hỗ trợ việc chuyển giọng nói thành văn bản cho người Việt. Nhóm dự kiến sẽ tận dụng các hệ thống hỗ trợ tiếng Việt hiện có, như chuyển giọng nói thành văn bản trên Cloud của Google để giải quyết vấn đề này.

Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại

Bài viết liên quan :

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *